HỘI THẢO "XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC LẤY TRẺ LÀM TRUNG TÂM"

Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm là quan điểm giáo dục tiến bộ, nhằm mang lại cho trẻ nhiều cơ hội học tập hơn. Mỗi con người có sự khác biệt về: hoàn cảnh, điều kiện sống, thể chất, sở thích, năng lực, trình độ,…Trẻ em cũng vậy! Mỗi trẻ đều có sự khác biệt về hoàn cảnh, điều kiện gia đình, môi trường sinh sống và học tập (thành phố hay nông thôn, đồng bằng hay miền núi…), thành phần dân tộc (dân tộc Kinh hay các dân tộc thiểu số),…do đó mỗi trẻ là một cá thể riêng biệt khác nhau về thể chất, tình cảm, mối quan hệ xã hội, trí tuệ, tâm lý; mỗi trẻ là một cá thể riêng biệt nên từng trẻ sẽ có hứng thú, cách học và tốc độ học tập riêng.

               Sáng ngày 20/4/2018 Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình tổ chức Hội thảo “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” đặt tại trường mầm non Vũ Đông Thành phố Thái Bình. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo, chuyên viên Sở GD&ĐT; đại biểu là lãnh đạo, chuyên viên, cán bộ quản lý của 8 phòng GD&ĐT huyện, phụ huynh học sinh và giáo viên trường mầm non thành phố trong tỉnh Thái Bình.

 

 

          Cần biết những gì xảy ra trong thời thơ ấu sẽ có ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài đến cuộc đời sau này của trẻ và đứa trẻ nào cũng có thể thành công. Các trải nghiệm trong những năm đầu đời nên phù hợp với mức độ phát triển của trẻ và phải được xây dựng dựa trên cơ sở những gì trẻ đã biết và có thể làm. Điều này có nghĩa là chúng ta phải cẩn trọng, không cố gắng dạy cho trẻ những gì quá khó để trẻ có thể hiểu hoặc làm được. Chính vì nhận thức được tầm quan trọng đó mà nhiều năm qua Sở GD- ĐT Thái Bình đã có những văn bản hướng dẫn chỉ đạo xuống từng đơn vị trường học bằng những chương trình hành động cụ thể, và đã đạt được những thành tựu đáng kể. 100% các nhà trường, các phòng giáo dục đã được triển khai đồng loạt, cùng sự chung tay của các bậc phụ huynh. Mỗi nhà trường đều xây dựng cho mình một môi trường giáo dục lành mạnh thân thiện.

           Hội thảo lần này được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý nhà trường chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong quá trình thực hiện các hoạt động, đồng thời đưa ra những định  hướng nhằm tiếp tục nhân rộng những điển hình thực hành tốt trong công tác giáo dục và chăm sóc trẻ em tại địa bàn trong tỉnh Thái Bình.

                                    Đ/c Trần Thị Huyền, Phó trường phòng mầm non, chủ trì hội nghị

 

                    Đ/c Ngô Thị Minh Tâm, Chuyên viên Phòng mầm non dẫn chương trình hội nghị

 

         Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm trong thực tiễn hoạt động quản lý và dạy học, những hạn chế, điểm chưa hợp lý trong quá trình thực hiện. Trong đó khẳng định đối với trẻ mầm non cách tốt nhất để giáo dục trẻ là lấy trẻ làm trung tâm và ứng dụng các phương pháp dạy học tích cực để thúc đẩy sự phát triển tính chủ động, khả năng tư duy và giải quyết vấn đề cho trẻ. Môi trường giao tiếp cởi mở, thân thiện giữa cô và trẻ, giữa trẻ và trẻ, lấy trẻ làm trung tâm giáo dục sẽ tạo cơ hội cho trẻ được chia sẻ, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, từ đó sẽ cởi mở hơn. Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh, có nhiều sáng kiến đã được thực hiện nhằm giúp đạt được các mục tiêu trên. Điển hình là Phòng GD-ĐT thành phố,  huyện Quỳnh Phụ; trường mầm non Thái Hòa - Huyện Thái Thụy; trường mầm non Đông Trung, huyện Tiền Hải; trường mầm non An Khê, huyện Quỳnh Phụ; trường mầm non Sơn Ca, thành phố; trường mầm non Minh Lãng, huyện Vũ Thư; Trường mầm non Thăng Long, huyện Đông Hưng; trường mầm non Hồng Tiến, huyện Kiến Xương và trường mầm non Hoa Phượng, thành phố.

      Đ/c Phạm Thị Lan, Phó trưởng phòng GD-ĐT thành phố  lên đọc tham luận và chia sẻ kinh nghiệm

         Với mục tiêu chính của mô hình là: Xây dựng môi trường an toàn thúc đẩy học sinh học tập tại trường học; Nâng cao năng lực của giáo viên và quản lý trường học để đạt được giáo dục có chất lượng; Nâng cao nhận thức cho phụ huynh để giúp học sinh chơi, học ở nhà tốt nhất và khuyến khích tính tự chủ và tham gia; và vận động đưa các thành công của mô hình vào các quyết định, chính sách của địa phương.

đ/c: Đặng Phương Bắc, nhà giáo Ưu tú, tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình phát biểu với hội thảo

         Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Đặng Phương Bắc, nhà giáo Ưu tú, tỉnh ủy viên, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình, đã đánh giá cao những hoạt động mà các trường mầm non thực hiện tại các huyện trong thời gian qua. Ngoài những mô hình xây dựng cơ sở hạ tầng với chất lượng tốt “Sáng-Xanh-Sạch-Đẹp”, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tại các trường học cũng được tham gia các chương trình tập huấn nâng cao trình độ và có cơ hội tiếp cận và áp dụng những kiến thức đã học trong quá trình công tác, ngoài ra đồng chí còn nhấn mạnh thêm về công tác bảo đảm an toàn cho cô, trò trong thời hiện đại. Tại hội thảo đ/c đã tuyên dương những điển hình về thay đổi chất lượng giáo dục với nhiều nhà trường trong kết quả chất lượng dạy và học, đồng thời chỉ ra một số mô hình bước đầu đã được nhân rộng ra các trường.

         Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm là: Dựa trên nhu cầu, hứng thú, khả năng và thế mạnh của từng trẻ – tin tưởng rằng mỗi trẻ đều có thể thành công và tiến bộ. Tạo cơ hội cho trẻ học bằng nhiều cách khác nhau gồm cả hoạt động vui chơi. Phản ánh được mức độ phát triển của từng cá nhân trẻ và xây dựng dựa trên những gì trẻ đã biết và có thể làm.

      Ngoài ra giáo dục lấy trẻ làm trung tâm cần đảm bảoHứng thú, nhu cầu, khả năng, thế mạnh của mỗi trẻ đều được hiểu, đánh giá đúng và được tôn trọng. Mỗi trẻ đều có cơ hội tốt nhất có thể để thành công. Mỗi trẻ đều có các cơ hội để học bằng nhiều cách khác nhau, đặc biệt là thông qua vui chơi.

        Để thực hiện được việc giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, giáo viên cần: Dựa trên nhu cầu, hứng thú, khả năng và thế mạnh của từng trẻ để xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với từng đối tượng. Tin tưởng rằng mỗi trẻ đều có thể thành công và tiến bộ. Tạo cơ hội cho trẻ học bằng nhiều cách khác nhau gồm cả hoạt động vui chơi, vì vui chơi cung cấp cho trẻ nhiều cơ hội để học tập như khám phá, sáng tạo, đóng vai, tưởng tượng và tương tác với bạn bè. Xây dựng kế hoạch giáo dục dựa trên cơ sở những gì trẻ đã biết và có thể làm; kế hoạch giáo dục phải phản ánh được mức độ phát triển của từng cá nhân trẻ.

GIỜ GIẢI LAO, MỘT SỐ TIẾT MỤC VĂN NGHỆ ĐƯỢC BIỂU DIỄN TẠI HỘI THẢO

DO TRƯỜNG MẦM NON KỲ BÁ VÀ MẦM NON LÊ HỒNG PHONG THỰC HIỆN

      Phương pháp lấy trẻ làm trung tâm đã luôn là nền tảng quan trọng trong giáo dục trẻ nhỏ. Là một người giáp viên chuyên nghiệp, bạn cần phải dạy và thực hành được phương pháp này. Hay nói cách khác, bạn sẽ muốn là người ủng hộ cho việc mọi trẻ đều có quyền được hưởng phương pháp lấy trẻ làm trung tâm này.

       Một điều cần nhấn mạnh nữa rằng phương pháp lấy trẻ làm trung tâm đang ngày càng trở nên được chú ý trong phát triển trẻ nhỏ trên toàn phương diện, chứ không chỉ nên dừng lại ở trong học tập. Kết quả là, đang có nhiều hơn sự khuyến khích để trẻ hướng tới một nếp sống lành mạnh. Những người làm giáo dục đều tin tưởng vào những điều tốt đẹp tiềm ẩn trong trẻ, và giúp cho giáo viên có thể tạo ra được môi trường hoàn hảo để trẻ có thể bộc lộ được những điều tốt đó ra.